Reuters cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đã qua khó khăn. Ảnh: Reuters |
Thông tin từ Reuters ngày 3/8 cho hay, số giao dịch nhà đất thành công ở Việt Nam hiện đã tăng gấp đôi so với cách đây 1 năm. Giá trị các dự án tồn kho cũng giảm từ mức cao nhất vào đầu năm 2013 xuống còn khoảng 6 tỷ USD.
“Bây giờ mỗi tháng tôi đều có thể bán được từ 3 – 5 căn hộ, tốt hơn rất nhiều so với trước đây, với từng này căn tôi phải mất cả năm mới bán hết được”, Dung – một nhà môi giới BĐS tự do tại Hà Nội cho biết.
Reuters nhận xét, Việt Nam đang kỳ vọng những bài học rút ra từ sự tan vỡ của bong bóng BĐS trước đây sẽ giúp họ tránh được một chu kỳ BĐS “đi lại vết xe đổ” thời gian qua.
Khi bong bóng BĐS tan vỡ, cả người mua và nhà phát triển BĐS đều vỡ nợ, các ngân hàng thì tê liệt vì có nhiều khoản nợ xấu và không có cách nào cung cấp tín dụng cho hàng chục nghìn doanh nghiệp lâm cảnh thua lỗ. Nhiều chung cư và tòa nhà văn phòng liên tục bị bỏ trống tại nhiều thành phố lớn. Đơn vị quản lý tài sản nhà nước đã phải chi tiền mua vào số nợ xấu trị giá khoảng 8 tỷ USD, khoản nợ này phần lớn xuất phát từ BĐS. Chính phủ Việt Nam quyết định tái cơ cấu ngành ngân hàng. Năm 2013, Việt Nam đã đưa ra gói kích cầu trị giá 1,4 tỷ USD cho lĩnh vực địa ốc, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu hơn nữa đối với các nhà phát triển lĩnh vực này.
Băt đầu từ ngày 1/7 vừa qua, quy định mới được thực thi, cho phép Việt kiều và người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Mở cửa thị trường BĐS là một trong những động thái mới nhất trong hàng loạt cải cách được thực hiện tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, quy định mới đã bắt đầu đem lại những kết quả rõ rệt. Đơn cử, Tập đoàn Vingroup vừa tổ chức 2 sự kiện mở bán các dự án nhắm vào đối tượng khách hàng mục tiêu là người nước ngoài và Việt kiều tại hai TP lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Vingroup cho hay, tập đoàn này đã nhận được tiền đặt cọc giữ suất cho 112 căn hộ chỉ trong vòng 2 giờ.
Các quy định mới có tác động đáng kể đối với thị trường BĐS Việt Nam. Ảnh: AFP |
Còn theo hãng phát triển chung cư The Eastern, người nước ngoài và các công ty ngoại mua chỗ ở cho người lao động nước ngoài làm việc tại Khu công nghệ cao Tp.HCM, họ đã mua tới 70% đơn vị BĐS được bán ra từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua.
“Có tới 4,2 triệu Việt kiều và khoảng 30.000 người nước ngoài làm việc lâu dài ở Việt Nam. Đây chính là tiềm năng cho tương lai tươi sáng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) nhận xét.
Trong khi đó, hãng BĐS thương mại toàn cầu CBRE đưa ra nhận định, số căn hộ chào bán ở Tp.HCM trong nửa đầu năm 2015 đã tăng khoảng 174% so với cùng kỳ năm 2014. Một căn hộ cao cấp hiện có giá trung bình khoảng 1.800 USD/m2 tại Tp.HCM và 1.600 USD/m2 tại TP Hà Nội, sát với mặt bằng giá cả trước khi cuộc khủng hoảng nhà đất diễn ra và tăng từ 150 – 200 USD/m2 so với giá năm 2014.
Thị trường khởi sắc trở lại, những nhà tạo lập và phát triển BĐS tại Tp.HCM còn có mục tiêu ghi tên 2 tòa tháp Việt Nam vào top 10 những tòa tháp cao nhất thế giới. Lễ động thổ công trình tòa nhà Landmark 81 cao 461m, nằm ở vị trí trung tâm của KĐT Vinhomes Central Park vừa được tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, Empire City Tower – tòa nhà cao 86 tầng nằm ở trung tâm của KĐTM Thủ Thiêm cũng vừa được chính quyền trao giấy chứng nhận đầu tư.
Hãng nghiên cứu Mỹ JLL cũng đưa ra đánh giá, Tp.HCM hiện đang đứng đầu về phát triển trong số 120 thành phố có mặt trong chỉ số Momentum. “Chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đang cố gắng tìm kiếm chỗ đứng vững chắc ở Tp.HCM”, ông Stephen Wyatt – người đứng đầu JLL tại Việt Nam nhận xét.
Viện nghiên cứu Nomura cho rằng, năm 2014 vừa qua, thị trường BĐS Việt Nam có kích thước khoảng 21 tỷ USD, nếu so với các nước trong khu vực là Thái Lan 89 tỷ USD và Singapore 241 tỷ USD thì thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Leave a Reply